Home |    Liên hệ - Góp ý |    Thư viện hình ảnh |    Sơ đồ trang
    
 
Danh mục
    Giới thiệu  
     
 
Lịch sử
Chức năng nhiệm vụ
Tổ chức của bộ môn
Nhân sự
Quan hệ quốc tế
 
    Tổ chức đoàn thể  
     
    Thông tin mới  
     
    Lịch công tác của Bộ môn  
     
    Đào tạo Đại học  
     
    Đào tạo sau Đại học  
     
    Bác sĩ Nội trú Ngoại  
     
    Trường hợp lâm sàng  
     
    Khoa học - Công nghệ  
     
    Thông tin tư liệu  
     
 
 Bài giảng Đại học
 Bài giảng sau Đại học
 Bên cạnh giảng đường
 Liên hệ - Góp ý
 Liên kết website

Giới thiệu » Lịch sử
Quá trình hình thành và phát triển Bộ môn Ngoại Trường đại học y dược Huế
Ngày cập nhật: 03/06/2010 18:15:13

Trường Đại học Y Khoa Huế chính thức được thành lập năm 1959. Tháng 9/1960 đến tháng 10/1961 Trường bắt đầu tuyển sinh y khoa khóa I với 27 sinh viên. Bộ môn Ngoại cũng bắt đầu được hình thành từ đó. Vào thời kỳ này, Bộ môn Ngoại được biết đến với cái tên Khu Ngoại thương.

Trong những năm tháng đầu tiên, giảng dạy ngoại khoa cho sinh viên khóa đầu do các bác sĩ đến từ Pháp đảm trách theo nhiều chương trình khác nhau như. Tên tuổi của một số Giáo sư, bác sĩ được gắn liền trong thời kỳ này như BS Moulin (sau này là Prof. Agrégé, Chef de Serv. Chir. Hopital Val de Grace, Paris, bệnh viện Quận Đội lớn nhất của Pháp lúc bấy giờ), Prof. Agrégé Jean Caron, Prof. Agrégé Michel Gruet, Prof. Agrégé Dr. Nobert Jack Aprosio, Prof. Richard, bác sĩ người Đức… Ngoài ra trong giai đoạn này còn có một số bác sĩ đến từ Mỹ tham gia giảng dạy ở trường như Bs Momin, Bs Herold (khoảng thời gian từ 1969 - 1972)…


Một buổi giao ban Khoa-BM Ngoại hồi những năm 80 thế kỷ XX

Về phía ban giảng huấn Việt nam (tên gọi của cán bộ giảng dạy lúc bấy giờ), các giảng viên đầu tiên ở Khu Ngoại có Bác sĩ Lê Bá Vận, Vũ Công Thưởng, Thân Trọng An và Nguyễn Văn Đệ cùng làm việc với các bác sĩ Pháp, Hoa kỳ. Bác sĩ Tô Đình Cự, trưởng khoa Ngoại và Phòng mổ bệnh viện Trung ương Huế giai đoạn này cũng tham gia giảng dạy ngoại khoa .

Sau mùa xuân năm 1968, Trường đại học Y khoa Huế bị hư hại nặng nề, nên không thể tiếp tục học tập được, GS Bùi Duy Tâm, khoa trưởng Đại học Y khoa Huế  lúc bấy giờ đã đưa sinh viên cùng ban giảng huấn của trường ĐH Y Khoa Huế tạm chuyển vào Sài gòn học tại đại học Y khoa Sài gòn, thực tập tại các BV Sài gòn, BV Grall (Pháp), Tổng y viện cọng hòa (Trường quân y) cho đến năm 1970 mới trở về Huế. Vào thời gian này việc giảng dạy ngoại khoa được đảm trách bởi BS Lê Xuân Công, trưởng Khu, cùng với một số bác sĩ khác như BS Tôn Thất Chiểu, BS Tôn Thất Hứa, BS Nguyễn Văn Chữ. Ngoài ra một số bác sĩ từ nước ngoài đến cũng tham gia giảng dạy như BS Momin (Mỹ, phẫu thuật lồng ngực), BS CG. Dupuis (Bỉ, phẫu thuật tạo hình), một số các BS Quân Y từ 2 tàu bệnh viện của Mỹ SS Repose và SS Sanctuary (thả neo ngoài khơi Huế, Đà nẵng).

Kể từ năm 1972 cho đến lúc Huế được giải phóng (26/3/1975) việc giảng dạy ở Trường ĐH Y Khoa và tại bệnh viện Trung ương Huế, phần lớn do các giảng viên khu Ngoại thương đảm trách, đồng thời Khu Ngoại cũng được bổ sung một số các bác sĩ như Trần Tiễn Sum, Trần Tiễn Ngạc…tuy vậy, vẫn có các BS đến từ Mỹ như BS Dick (phẫu thuật tổng quát), BS Chewdress (phẫu thuật lồng ngực) cùng tham giảng dạy bệnh lý ngoại khoa và phẫu thuật tại bệnh viện Trung ương Huế…

Sau ngày miền Nam giải phóng, BS Lê Xuân Công tiếp tục làm trưởng Bộ môn, các BS Trần Tiễn Ngạc, BS Hoàng Đại May… là những cán bộ giảng dạy chủ yếu và lúc này Khu Ngoại thương được gọi là Bộ Môn Ngoại.

Năm 1976 BS Nguyễn Văn Thái thay thế BS Lê Xuân Công làm trưởng liên Bộ môn Ngoại - Giải phẫu - Phẫu thuật thực hành.

Do nhu cầu đào tạo ngày càng tăng, nên Bộ môn Ngoại cũng đã được bổ sung nhiều cán bộ và phát triển lớn hơn, đồng thời đã phân thành nhiều Bộ môn khác nhau.

Năm 1982 Bộ môn Giải phẫu được tách ra khỏi Bộ môn Ngoại

Năm 1998 Bộ Môn Ung bướu được thành lập, do ThS Nguyễn Danh Lam làm trưởng BM.

Năm 1999 chính thức tách BM Phẫu thuật thực hành do ThS Nguyễn Kim Hải làm trưởng Bộ môn.

Năm 2000 Bộ môn Gây mê được thành lập tách khỏi sinh hoạt với  BM Ngoại , BS Hồ Khả Cảnh làm trưởng BM.

Sau năm 1975 quy mô đào tạo của Trường ngày một phát triển mạnh, vì vậy Bộ Môn Ngoại cũng đã phải đảm trách nhiệm vụ nặng nề hơn. Dưới sự lãnh đạo và điều hành của Ban chủ nhiệm Bộ môn qua các giai đoạn, Bộ môn Ngoại đã trở thành một tập thể đoàn kết, vững mạnh:

- 1976-1996: PGS TS Nguyễn Văn Thái (Trưởng Bộ môn), BS Nguyễn Khoa Hinh.

- 1996-2000: TS Bùi Đức Phú (Trưởng Bộ môn), ThS Nguyễn Văn Lượng, ThS Bùi Huy Thái

- 2000-2007: PGS TS Bùi Đức Phú (Trưởng Bộ môn), ThS Nguyễn Văn Lượng, ThS Lê Mạnh Hà

- 2007-2008: PGS TS Phạm Văn Lình (Trưởng Bộ môn), TS Nguyễn Văn Lượng, TS Lê Mạnh Hà, PGS TS Lê Đình Khánh, PGS TS Bùi Đức Phú.  

- 2008-2009: TS Nguyễn Văn Lượng (Phó Trưởng Bộ môn, phụ trách Bộ môn), TS Lê Mạnh Hà, PGS TS Lê Đình Khánh, PGSTS Bùi Đức Phú.  

- 2010-2011: GS TS Bùi Đức Phú (Trưởng Bộ môn), TS Lê Mạnh Hà, PGS TS Lê Đình Khánh, ThS Nguyễn Khoa Hùng

Hiện nay Bộ môn có 22 cán bộ cơ hữu, (1 PGS TS, 4 TS GVC, 6 ThS GVC, 5 ThS giảng viên, 5 GV, 1KTV), 7 giảng viên kiêm nhiệm tại Huế (1GSTS, 3 PGS TS, 1 TS, 1 ThS BS CK2, 1 ThS BSCKI).

Mặc dù số lượng cán bộ khiêm tốn so với nhiệm vụ nhà trường giao, nhưng với truyền thống của bộ môn, toàn thể cán bộ đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Trong lĩnh vực đào tạo, Bộ môn đã tham gia giảng dạy nhiều đối tượng sinh viên cũng như học viên sau đại học học.

Đào tạo đại học: đối tượng sinh viên chính quy có: Y3, Y4, Y6 đào tạo theo chương trình 6 năm, Bác sĩ Răng hàm mặt, Bác sĩ đa khoa hệ 4 năm, Cử nhân kỹ thuật y học, Cử nhân điều dưỡng chính quy và hệ vừa học vừa làm, Cử nhân kỹ thuật hình ảnh, Cử nhân xét nghiệm.

Đào tạo sau đại học: học viên sau đại học chuyên ngành ngoại khoa được đào tạo theo chương trình thống nhất, gồm: NCS Ngoại tiêu hoá, Cao học Ngoại, Bác sĩ Nội trú chuyên ngành ngoại, Bác sĩ CK cấp I, Chuyên khoa cấp II tiêu hoá, CKII Tiết niệu, CKII Ngoại chung. Bộ môn cũng đã tham gia đào tạo các lớp sau đại học tại các tỉnh như Bác sĩ CKII Cần thơ, Bình Định, Bác sĩ CKI Đà nẵng, Bác sĩ CKI Bình định, Bình Thuận, Đồng Nai, CKI Y học gia đình Huế và Khánh Hoà.

Bộ môn đã áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy lý thuyết và lâm sàng. Phương pháp đánh giá cũng cải tiến, trắc nghiệm đã trở thành phương pháp chính trong đánh giá sinh viên

Bộ môn đã tổ chức biên soạn các giáo trình cho các đối tượng bác sĩ đa khoa hệ 6 năm, bác sĩ đa khoa hệ 4 năm và các hệ đào tạo khác và đã tạo được một bộ giáo trình tương đối đầy đủ phục vụ cho sinh viên đại học và học viên sau đại học. Ngoài ra, một số lượng đáng kể các luận văn thạc sĩ, luận án BS CKII, luận án tiến sĩ được đào tạo ở Bộ môn Ngoại cũng là một nguồn tham khảo giá trị cho sinh viên, học viên.

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trong thời gian qua, cán bộ giảng dạy bộ môn Ngoại đã tham gia các công trình nghiên cứu khoa học từ cấp Nhà nước (3 công trình), cấp Bộ (18), cấp Trường (70) đã được nghiệm thu và đánh giá cao. Kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiển trong đào tạo và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế và bệnh viện Trung ương Huế.

Trong quan hệ quốc tế, Bộ môn đã liên kết chặt chẽ với bệnh viện Trung ương Huế và BV Trường Đại học Y Dược Huế tích cực mở rộng các quan hệ về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các trường Đại học và các tổ chức khoa học quốc tế như đại học Rennes-Cộng hoà Pháp, đại học Tự do Bỉ, đại học Lubeck, Bochum (Đức), Hội ADVASE , Hội ADS Luxembourg - Pháp, Hội phẫu thuật tim mạch hoàng gia Úc và Melbourn, Hội REI Hoa kỳ, Hội phẫu thuật Singapore, phẫu thuật cho trẻ khuyết tật trong chương trình JICA (Nhật bản), CI (Đài loan)... Nhờ đó các hội nghị khoa học chuyên ngành về các lĩnh vực như phẫu thuật mạch máu, phẫu thuật khớp háng, phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật bàn tay, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật chương trình trẻ em khuyết tật, chương trình phẫu thuật tim hở, tham gia đoàn ghép tạng quốc tế, chương trình ghép thận quốc gia… được tổ chức thường xuyên không đơn thuần lý thuyết mà còn trực tiếp phẫu thuật tại bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế và bệnh viện Trung ương Huế với đội ngũ phẫu thuật viên của trường và bệnh viện nên đã chuyển giao nhanh chóng các kỹ thuật mũi nhọn đạt kết quả tốt.

Ngoài những công tác chính ở trên, hoạt động của Bộ môn ngoại còn được thể hiện ở nhiều mặt khác nhau thể hiện ở hoạt động của Công đoàn, đoàn thể, xây dựng đội ngũ cán bộ…Thông qua hoạt động, Bộ Môn Ngoại đã thực sự trở thành một tập thể đoàn kết và luôn phát triển.

Qua những năm tháng phát triển, các thế hệ sinh viên được đào tạo từ Bộ môn Ngoại kết hợp với bệnh viện Trung ương Huế  và bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế  - là cơ sở thực hành tiên tiến và hiện đại đã đào tạo ra những bác sĩ, cán bộ y tế thành thạo trong chuyên môn.  


Tập thể Khoa-BM Ngoại những năm 80 thế kỷ XX

Từ những năm đầu mới thành lập của trường Huế, sinh viên của trường trong đó có các nội trú của Bộ môn Ngoại đã chứng thực được trình độ của mình khi so sánh với sinh viên của trường Sài gòn lúc bấy giờ và đã được đánh giá bởi các bác sĩ nước ngoài (GH. William Ruhe, Norman W. Hoover, Ira Singer “Saigon Medical School, an experiment in international medical education”; AMA xuất bản năm 1988 có đoạn nhận xét về Trường YK Huế: “…the University of Hue had a vigorous school of Medicine with a majority of young faculty providing excellent instruction to approximately 60 students in each class. In many ways, the school at Hue seemed likely to surpass the school at Saigon in moving forward with modern techniques of medical education. This was due partly to the presence of a young and vigorous faculty in Hue, and partly to the lack of resistance to change by traditional entrenched faculty and political structures.”) . Với truyền thống đó cho đến những thế hệ học trò sau này, các bác sĩ ngoại khoa từ Bộ môn Ngoại luôn tạo ra được một uy tín trong toàn quốc và được các cơ sở y tế trong cả nước đánh giá cao về khả năng chuyên môn, mà minh chứng lớn nhất là khả năng thu nhận của các cơ sở y tế trong cả nước đối với BS ngoại khoa đặc biệt là các bác sĩ nội trú ngoại từ trường Đại học Y Dược Huế.

Sự phát triển của Bộ môn Ngoại gắn liền với tên tuổi của các Thầy Cô, các bậc đàn anh. Các Thầy không những đã đào tạo được cho đất nước nhiều thế hệ học trò có trình độ chuyên môn cao, đồng thời cũng đã đào tạo cho đất nước những con người có những vị trí lãnh đạo. Cho đến nay nhiều thế hệ các Bác sĩ của Bộ môn Ngoại đã và đang giữ những trọng trách quản lý như Giám đốc bệnh viện, Giám đốc sở, Hiệu trưởng các trường Đại học, Hiệu trưởng trường Cao đẳng ... ở nhiều cơ sở Y tế trong cả nước.

Một vài nét sơ lược về lịch sử phát triển của Bộ môn chắc chắn không thể nhắc đến hết tên tuổi của các Thầy, các bậc đàn anh đã từng là giảng viên của Bộ môn, tuy nhiên Bộ môn luôn ghi nhớ công lao đóng góp của tất cả các thế hệ.

Huân Chương Lao Động Hạng Ba là phần thưởng cao quý về mặt tinh thần đối với tất cả các thế hệ Thầy Cô, các thế hệ lãnh đạo Bộ môn, các bậc đàn anh, các cán bộ nhân viên của Bộ môn qua các thời kỳ, các thế hệ học trò đã và đang học tập, công tác trên khắp các miền của đất nước và tập thể cán bộ nhân viên đang công tác tại Bộ môn ngoại.


Giảng viên Bộ môn Ngoại Trường Đại học Y dược Huế

Tiếp nối truyền thống, toàn thể cán bộ nhân viên Bộ môn Ngoại nguyện noi theo gương của các Thầy, các thế hệ đi trước để xây dựng Bộ môn ngày càng lớn mạnh hơn, uy tín hơn.

Ảnh: Tư liệu BM Ngoại, Lê Đình Đạm

Bộ môn ngoại - YDHue

Thông báo
   Thông báo thi LS khối lớp Y3EFGH, học kỳ II năm học 2019-2020
   Danh sách Y3ABCD thi lâm sàng ngày 10-11/6/2020
   Thông báo thi LS khối lớp Y3ABCD, học kỳ II năm học 2019-2020
   KHÓA ĐÀO TẠO LIÊN TỤC (CME) VỀ CHẤN THƯƠNG VÙNG CỔ CHÂN VÀ BÀN CHÂN
   Kế hoạch thi tốt nghiệp học phần thực hành cho sinh viên y đa khoa hệ liên thông chính quy, năm học 2018-2019
Lịch giảng dạy lý thuyết
  Lịch giảng LT tuần 26 (Từ 15.8 đến 19.8.2022)
  Lịch giảng LT tuần 25 (Từ 8.8 đến 12.8.2022)
  Lịch giảng LT tuần 23(Từ 25.7 đến 29.7.2022)
  Lịch giảng LT tuần 22 (Từ 18.7 đến 22.7.2022)
  Lịch giảng LT tuần 21 (Từ 11.7 đến 15.7.2022)
Lịch giảng dạy lâm sàng
  Lịch giảng LT tuần 24 (Từ 01.8 đến 05.8.2022)
  Lịch giảng LS tuần từ 10.01 đến 14.01.2022
  Lịch giảng LS tuần từ 03.01 đến 07.01.2022
  Lịch giảng LS tuần từ 27.12 đến 31.12.2021
  Lịch giảng LS tuần 14 (Từ 06.12 đến 10.12.2021)